Action, là một thuật ngữ chủ yếu dùng cho guitar và bass để chỉ độ cao của dây so với mặt phím. Đây cũng là một trong những chủ đề mà Swee Lee gặp nhiều thắc mắc nhất. Hôm nay Swee Lee sẽ gỡ nút thắt cho những bạn đang gặp rắc rối về vấn đề này.
Action: Cao hay thấp?!
Đa số những bạn chơi guitar và đặc biệt là guitar thùng khi mới mua đều cho rằng đàn bấm khá đau tay, và với thông tin trên internet tràn ngập, các bạn sẽ rơi vào tình trạng hoang mang và thường đỗ lỗi do action đàn quá cao. Và có lẽ khi các bạn cầm vào bất cứ dòng đàn thùng fullsize nào brandnew đều ngỡ ngàng vì, action của nó gần như là như nhau
Thật ra, khi bạn mua đàn thùng mới, bộ phụ kiện của đa số các dòng đàn đều cho bạn một cái saddle dự phòng, có nghĩa là hãng muốn chính bạn hãy chọn độ cao lấy cho mình, tinh chỉnh theo ý muốn và hãng sẽ không đưa ra một chuẩn mực nào về độ cao này.
Khái niệm quá cao hay quá thấp của người Việt đều là ý kiến chủ quan!?
Action thấp, nghĩa là dây của bạn gần mặt phím hơn, đương nhiên sẽ cho cảm giác bấm nhẹ hơn, 1 phần nhỏ làm độ căng dây ít hơn, VÀ cũng đồng nghĩa việc dây sẽ ít không gian để rung hơn. Vì thế, những cây đàn action “quá” thấp thường rất ít ngân và khi dùng lâu ngày, những ngăn phím bị mòn sẽ dẫn đến một vài phím bị rè. Action cao sẽ cho đàn độ ngân chuẩn hơn nhưng đồng thời làm dây căng hơn, khó bấm hơn và khi cao “quá” cũng sẽ dẫn đến dây đàn khó ngân vì quá căng. Vậy thế nào là quá cao, thế nào là quá thấp. Không có một chuẩn nhất định dành cho việc đo đạc này, đối với người mới tập đặc biệt là người châu Á, họ thường cho rằng action thấp là dây phải nằm gần sát mặt phím, và action cao của họ dường như là action trung bình của những nghệ sĩ chuyên đàn thùng hoặc người châu Âu.
Rắc rối thật! Vậy tôi phải làm sao?!
Trước khi các bạn than phiền vì các vấn đề độ cao này, hãy thực hiện những bước sau:
_ Dùng capo kẹp phím 1 và bấm phím 14 trên đàn thùng (hoặc phím cuối trên đàn điện), dùng cardvisit hoặc miếng bìa dày tương tự đưa vào khe hở giữa phím 7 và dây dày nhất trên đàn của bạn. Nếu bạn thấy card visit cho vào không chạm dây và còn một khoảng trống, hoặc cardvisit của bạn khó đưa vào mà không chạm dây, thì hãy kiểm tra lại cần đàn trước.
_ Bấm ngăn số 1 và dùng thước đo khoảng cách giữa ngăn 12 và dây dày nhất. Nếu khoảng cách đó cao hơn 5/32 inch ~ 4mm hoặc thấp hơn 1/16 inch ~ 1.6mm thì bạn nên chỉnh lại độ cao của ngựa.
Với đàn thùng, ngựa thường làm bằng plastic hoặc bằng xương, các bạn dùng thước đo 2 đầu của ngựa và đánh dấu bằng bút độ cao mình sắp mài xuống. Nếu các bạn định hạ xuống 1mm action thì hãy mài xuống 1,5-2mm trên ngựa. Nếu các bạn đã mài quá thấp và muốn nâng lên lại thì hãy dùng miếng saddle backup của hãng, hoặc dùng miếng chêm saddle (Saddle shim)
Đàn của tôi bấm quá đau tay, tôi nghĩ tôi nên hạ dây thấp xuống!
Đừng vội quy việc bấm đau tay là do dây cao. Đầu tiên hãy kiểm tra cần đàn như bước 1 ở trên, cần đàn cần phải được chỉnh mỗi khi thời tiết thay đổi.
Sau đó hãy kiểm tra xem dây bạn đang xài là dây dày bao nhiêu? Nếu bạn dùng dây 13-56 mà thấy đau tay thì việc đầu tiên nên làm là đổi bộ dây khác thấp hơn (12-53 hoặc 11-52 hay thậm chí 10-47).
Tiếp theo nếu vẫn thấy cao thì hãy đo lại action như bước 2 ở trên. Nếu action cao thì bạn có thể hạ xuống đến một mức phù hợp. Ngoài ra, nếu action bạn đã đủ thấp và bạn vẫn còn thấy đau tay thì việc duy nhất bạn có thể làm lúc này là tập cho tay mình rắn hơn, đó là điều người chơi guitar thùng nào cũng cần có nhiều hơn so với guitar điện.
Đàn của tôi bị rè những phím thấp (hoặc cao), tôi có nên nâng dây cao lên?
Việc dây bị rè ở những phím dưới phím 5 hoàn toàn không phải do action, bạn hãy kiểm tra lại cần đàn như bước 1 ở trên. Còn nếu dây bị rè ở những phím cao trên phím 14, thì việc nâng action bạn lên một tí chỉ cải thiện một phần. Những tiếng rè ở ngăn phím cao là do quá trình lắp ráp cần đàn và thân, công nghệ, chất lượng gỗ, vì thế hãy cân nhắc kỹ khi mua đàn nhé các bạn!
Đàn của tôi bấm bị rè một vài phím, tôi nên nâng dây cao lên?
Thường đàn khi dùng khoảng 3-5 năm thì phím sẽ mòn, và những phím mòn sẽ thấp hơn những phím khác. Điều này là đương nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng. Đầu tiên bạn hãy kiểm tra cần đàn và độ cao như ở bước 1 và 2, nếu vẫn thấy phím rè thì sau đây là một vài cách chữa.
_ Nâng Action: Mình không khuyên bạn nên dùng cách này vì sẽ giảm hiệu quả của đàn cũng như tạo cảm giác không tốt cho người chơi, tuy nhiên nếu bạn quan trọng chất tiếng trong vắt nhất thì hãy nâng lên đến khi nào cảm thấy hết tiếng rè, đương nhiên dây sẽ cứng và khó bấm hơn.
_ Mài phím: Cách này không phải ai cũng có thể làm được tại nhà và khá tốn kém. Vì vậy nếu bạn quý cây đàn mình và thật sự nghiêm túc về việc chơi đàn, hãy mang đàn của bạn đến một người thợ sửa đàn chuyên nghiệp để họ mài phím. Phím sau khi mài sẽ cân bằng và bạn có thể chỉnh action tùy ý mà không phải lo về việc rè.
_ Thay phím: tương tự như mài phím, cách này khá công phu và tốn kém, nhưng bù lại bạn sẽ có cảm giác cần đàn mới toanh. Lưu ý chỉ nên nhờ những người thợ chuyên nghiệp làm việc này.
Hy vọng rằng sau bài viết này các bạn sẽ hiểu rõ hơn cây đàn của mình và những vấn đề liên quan đến action hay độ cao dây đàn. Việc chọn lựa một cây đàn yêu cầu người chơi phải hiểu nhiều vấn đề cặn kẽ để chọn cho mình dòng đàn phù hợp nhất về giá và về chất lượng. Đừng ngần ngại gọi đến Swee Lee để được tư vấn về những vấn đề khi chơi đàn cũng như các dòng đàn hiện nay.